Có một nhà khoa học vĩ đại, để lại nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc gắn với ngành khoa học Vật lý năng lượng cao và Vũ trụ học ở Việt Nam. Có một nhà quản lý xuất chúng và tâm huyết sáng lập nên những ngôi trường, để cho nhiều giáo viên, đồng nghiệp có môi trường giáo dục hiện đại và nhân văn.
Có một nhà giáo dục uyên bác về tri thức và vốn sống, để lại trong lòng các thế hệ học trò biết bao tiết học thú vị và những bài học vô giá về cuộc đời. Nhà khoa học vĩ đại, nhà quản lý xuất chúng, nhà giáo dục tài ba mà tôi muốn nhắc đến, không ai khác, chính là GS.TS Hà Huy Bằng.
Như một mối cơ duyên, GS.TS Hà Huy Bằng đến với nghề dạy học, và rồi cuộc đời thầy gắn bó, trải qua nhiều môi trường giáo dục khác nhau: từ trong nước đến quốc tế, từ đại học và sau đại học đến môi trường phổ thông, từ công lập đến dân lập. Đối tượng giáo dục của thầy không chỉ là những học sinh, sinh viên mà còn là những nghiên cứu sinh, học viên cao học và những giáo viên trẻ. Nhưng dù sống và làm việc trong môi trường nào, đối tượng là ai, thầy vẫn luôn là niềm tự hào của nhiều học trò, giáo viên trong và ngoài trường trên cương vị của một người thầy vĩ đại – “Người thầy của những người thầy”.
Năm 1996 lịch sử, Khối chuyên Lý của Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) đón chào sự hiện diện của thầy trên cương vị của một chủ nhiệm khối. Cũng chính ngôi trường ấy đã trở thành nơi thầy sống, làm việc và cống hiến cho sự nghiệp khoa học và giáo dục của mình. Thầy có rất nhiều công trình nghiên cứugiá trị được đăng trên các tạp chí Vật lý uy tín của thế giới, đồng thời thầy cũng đã hướng dẫn được rất nhiều thế hệ sinh viên, cử nhân hay học viên cao học, nghiên cứu sinh hoàn thành xuất sắc các đề tài nghiên cứu của mình. Trải qua những ngày tháng gắn bó với cuộc sống khoa học và giáo dục phong phú, có 10 tiến sĩ, khoảng năm sáu mươi thạc sĩ và rất nhiều cử nhân được thầy hướng dẫn đã ra trường và đạt được những thành công, được công nhận ở cả trong và ngoài nước. Từ đó chúng ta thấy được, sự nghiệp khoa học và giáo dục không tách rời nhau, hỗ trợ cho nhau và tạo nên những niềm vui lớn, những thành công lớn của thầy.
Nghiên cứu và giảng dạy trong môi trường đại học và sau đai học giúp thầy trau dồi về nghiệp vụ sư phạm, hiểu được tâm tình học trò và giúp cho công tác lãnh đạo của thầy phong phú hơn, toàn diện hơn. Nhà lãnh đạo ấy còn sáng lập và giảng dạy trong môi trường phổ thông, trong đó phải kể đến trường THPT Đào Duy Từ, THPT Bắc Hà. Cũng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của thầy, trường THPT Đào Duy Từ và THPT Bắc Hà đang ngày càng phát triển vượt bậc. Hiểu rõ sự thành công của một nhà trường dân lập là sự thành công lớn của những giáo viên và đội ngũ văn phòng, thầy đã trực tiếp lãnh đạo và giảng dạy giúp cho không chỉ học sinh mà còn là các nhân viên, giáo viên trong nhà trường ngày càng nắm vững chuyên môn nghiệp vụ và công tác quản lí.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều sinh viên ra trường có kiến thức, có đam mê nhưng chưa có cơ hội để thể hiện và khẳng định mình. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của một giáo viên trẻ mới bước chân vào nghề và tìm lại được bóng dáng của mình trong đó – những con người trẻ tuổi, nhiệt tình và sáng tạo, thầy đã triển khai mô hình đào tạo thư ký ở hai trường THPT Đào Duy Từ và Bắc Hà. Thầy nhấn mạnh: “Công tác đào tạo giáo viên trẻ trở thành giáo viên giỏi và xuất sắc là điều rất cần thiết trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của nhà trường, góp phần tạo nên thành công của một trường tư thục để cạnh tranh xứng tầm với nhiều trường chuyên và công lập trên toàn quốc”. Đây cũng là một cơ hội lớn giúp cho những giáo viên trẻ vừa được học, vừa được làm dưới sự hướng dẫn của những giáo viên giàu kinh nghiệm, nhờ đó, họ dần trưởng thành hơn.
Và cũng có biết bao thầy, cô giáo trẻ sau khi trưởng thành đã tìm đến các trường công lập, nhưng thầy chưa bao giờ xao lòng. Ngược lại,thầy tiếp tục mở rộng mô hình này hơn nữa với hàng chục thư ký ở các tổ bộ môn. Thầy đã từng chia sẻ: “Chúng ta có quyền yêu một đám mây, nhưng đám mây cũng có thể trôi đi để lại trong ta phảng phất một nỗi buồn. Nhưng nếu ta biết một ngày kia đám mây bay ra biển lớn thì chắc ta sẽ có tâm trạng vui thay…Mình có thể đào tạo nhiều người, nhưng không nhất thiết ai cũng phải gắn bó với mình vĩnh viễn. Nhưng những gì mình đã làm là những đại lượng bất biến. Và không ai dù là thời gian có thể cướp đi được…”.Một điều dễ hiểu là thầy cho đi mà không cần nhận lại. Người thầy vĩ đại của chúng ta luôn tận tâm, tận lực, ngày đêm vun xới cho những mầm cây non để chúng ngày càng cứng cáp và trưởng thành hơn. Thầy lấy đó làm niềm vui cho mình. Cũng giống như niềm hạnh phúc của thầy là được nhìn thấy những thầy, cô giáo trẻ mới “chập chững” bước chân vào nghề giáo trong sự non nớt, thiếu kinh nghiệm được thầy đào tạo và trở thành những giáo viên có chuyên môn vững vàng, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục.
Với những cống hiến lớn lao của thầy, năm 2011, thầy đã được nhà nước phong tặng chức danh Giáo sư nhưng thầy vẫn từ tốn nói về chính mình: “Điều quan trọng hơn cả đó không chỉ là giáo sư trong khoa học, trong lãnh đạo và giảng dạy mà đó phải là vị giáo sư trong lòng mọi người”. Đó là một giáo sư không chỉ mang đến những công trình nghiên cứu uyên bác mà còn luôn chú trọng đến công tác đào tạo, giảng dạy những thế hệ học trò, những giáo viên trẻ. Đó cũng là một giáo sư với triết lý sống gần gũi, giản đơn, vừa quyết đoán, vừa lạc quan trước mọi quyết định trong quản lí. Và đó là vị giáo sư với những bài diễn văn “truyền lửa”. Lời nói ấy rộn vang, rành rọt và ấm áp qua những bài nói chuyện sôi nổi. Vẻ mặt ấy lúc nào cũng tươi tỉnh kèm theo một nụ cười rất “duyên”… và còn biết bao nhiêu điều “lạ” mà giáo sư ấy mang đến cho mọi người. Nhưng hơn hết, đó thực sự là vị giáo sư – nhà giáo trong lòng mọi người bởi từng ánh mắt, cử chỉ, lời nói của thầy luôn là nguồn động viên lớn lao, là tình cảm tha thiết và mãnh liệt nơi thầy gửi gắm.
Lắng nghe những chia sẻ giản dị và chân thành của thầy, chúng ta càng thấm thía hơn những lời dạy của thầy về vị trí, vai trò và trách nhiệm của một nhà giáo trước những thách thức của đổi mới trong giáo dục. Nhưng tôi tin rằng, chỉ cần có thầy ở bên, mọi thành công đều sẽ đạt được bởi thầy luôn là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Thời gian sẽ qua đi, lớp học sinh này nối tiếp lớp học sinh khác, nhưng Đào Duy Từ và Bắc Hà mãi là ngôi nhà chung của chúng ta, nơi có những con người mà ta kính yêu và luôn hướng về dù ở chân trời nào. Và nơi đó mãi mãi có bóng dáng thầy giáo Hà Huy Bằng – “người thầy của những người thầy”.