793 lượt xem

HỌC SINH TRƯỜNG THCS HỒ XUÂN HƯƠNG TÌM HIỂU VỀ TẾT CỔ TRUYỀN DÂN TỘC

        Mỗi dịp Tết đến, xuân về khi người lớn say sưa hoài niệm “Tết ngày xưa” của mình, thì dường như con trẻ chẳng mấy quan tâm tới những giá trị truyền thống ấy. Với hầu hết trẻ em hôm nay, Tết chỉ đơn giản là thời điểm các em được nghỉ học, mặc quần áo đẹp và nhận phong bao lì xì. Nhưng đối với các bạn lớp 8H, trường THCS Hồ Xuân Hương có lẽ không vậy? Nhắc đến tết các bạn ấy đều nghĩ đó là tết đoàn viên. Tết đến, dù đang ở đâu, làm gì, ai cũng mong muốn và cố gắng trở về đoàn tụ với gia đình. Ngày tết đã trở nên rõ nét và đầy đủ hơn qua sự tái hiện của các bạn.

         Các bạn nhóm 1 đã dày công sưu tầm và kể lại câu chuyện sự tích về hoa đào cho cả lớp cùng nghe. Chuyện kể rằng : Ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn, có một cây hoa đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào sum suê, to lớn khác thường, bóng rậm che phủ cả một vùng rộng. Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng. Vào thời điểm đó, quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng lui đến ắt khó mà tránh khỏi sự trừng phạt của 2 vị thần linh này. Vì vậy, ma quỷ rất khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần, đến nỗi sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là bỏ chạy xa bay. Đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày Tết, 2 thần vắng mặt ở trần gian, ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái. Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ, ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà, để xua đuổi ma quỷ. Sự tích về hoa đào cũng bắt nguồn từ đó.

Nhóm 1 

Không những thế các bạn nhóm 2 còn hóa thân thành những người trồng hoa, hóa thân thành các bác bán quất đào để giao lưu, chia sẻ về ý nghĩa của cho khán giả về tình hình mua bán, thị hiếu và văn hóa của người dân ba miền khi lưa chọn một loại cây để trưng trong những ngày tết.

Nhóm 2

Rồi các bạn nhóm 3 lại đưa cả lớp về không gian văn hóa ẩm thực tết cổ truyền: nào là mâm ngũ quả, các bạn đã lý giải được con số 5 “ngũ hành” là một con số rất tốt trong quan niệm của người xưa, mâm ngũ quả ngày Tết nhằm thể hiện mong muốn âm dương hòa hợp, sinh sôi nảy nở, phát triển. Và cũng bởi thế, cho nên ông cha ta đã chọn 5 loại trái cây để cúng vào đêm giao thừa với ngụ ý rằng: những sản vật này được đúc kết từ biết bao công sức, mồ hôi và nước mắt của người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng của vạn vật sinh tồn; nào là bánh chưng – loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam còn được sử sách nhắc lại, bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt và nguồn gốc của nó có thể truy nguyên về truyền thuyết liên quan đến hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ 6. Sự tích trên muốn nhắc nhở con cháu về truyền thống của dân tộc, là lời giải thích ý nghĩa cũng như nguồn cội của của Bánh Chưng, Bánh Giầy trong văn hóa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hoá lúa nước;  nào là dưa hành, nào là thịt đông, … món ăn truyền thống qua sự cảm nhận hồn nhiên và chân thực của các bạn đã không bị mất đi hương vị dân tộc của mỗi món ăn mà còn trở nên gần gũi hơn với cả lớp:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh”

Nhóm 4

         Và ngạc nhiên hơn, các bạn nhóm 4 đã sắm vai để kể câu chuyện lì xì đầu năm. Tương truyền, có một gia đình hiếm muộn mãi mới sinh được một cậu con trai, nhưng cứ vào đêm giao thừa lại có yêu quái xuất hiện quấy phá em bé. Một hôm có 8 vị tiên đi ngang qua nhà, biết trước cậu bé sẽ gặp tai họa với yêu quái, 8 vị tiên tốt bụng liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực canh bên em bé. Bố mẹ cậu bé thấy vậy, lấy 8 miếng giấy đỏ gói 8 đồng tiền vàng để trên đầu giường để mong cậu bé ngủ ngon. Đêm đó, con yêu quái đến quấy phá cậu bé thì có những tia vàng sáng rực phát ra từ những đồng tiên vàng gói trong giấy đỏ khiến nó kinh hoàng bỏ chạy. Việc lấy giấy đỏ gói tiền vàng chống lại được yêu quái đã được kể lại cho dân làng, về sau mọi người bắt chước làm theo và dần dần trở thành phong tục lì xì đầu năm mới cho con trẻ.

         Ở tuổi 14, có lẽ các bạn cũng có không ít những trải nghiệm về ngày tết, hiểu biết và tri nhận phần nào. Tuy nhiên, việc các bạn dành một phần công sức của mình để tìm hiểu về ngày tết cổ truyền sẽ giúp các bạn có cái nhìn đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về phong tục đậm đà bản sắc dân tộc này. Chẳng mấy mà lại đến tết Nguyên Đán, hi vọng năm nay, các bạn 8H sẽ đón tết trong một tư thế mới, một tâm hồn mới để góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Để cứ nói đến Tết là các bạn ấy sẽ nghĩ nghĩ ngay tới sự đoàn tụ gia đình, chiếc bánh chưng bánh giầy mang đậm chất Việt Nam, những bao lì xì thể hiện sự yêu thương, may mắn hay những lễ hội mùa xuân. Không khí Tết rộn vang trên khắp mọi nẻo đường, người người nhà nhà chào đón một năm mới thuận buồm xuôi gió, an lành, hạnh phúc.

 

 

Tuyển sinh trường THPT Đào Duy Từ năm học 2019-2020