2080 lượt xem

CHƯƠNG TRÌNH MỚI LỚP 6-NHỮNG ĐIỀU PHỤ HUYNH CẦN BIẾT

Từ năm học 2021 – 2022, học sinh lớp 6 sẽ chính thức học sách giáo khoa mới theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy phụ huynh có con chuẩn bị lên lớp 6 cần nắm được các thông tin cơ bản liên quan đến vấn đề này, đồng thời chủ động chuẩn bị sớm để con không bị bỡ ngỡ khi bước vào năm học đầu cấp. 

Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại. Trong đó chương trình giáo dục trung học cơ sở giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học, tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kĩ năng nền tảng, có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động. 

Mục tiêu cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giúp học sinh hình thành và phát triển những năng lực chung: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Trong đó những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất. 

Và để thực hiện cũng như cụ thể hóa mục tiêu cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã đề ra chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”. Vì vậy phụ huynh và học sinh cần hiểu đúng về vai trò của sách giáo khoa trong chương trình mới, cần hiểu rằng sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo trong quá trình dạy và học, trong khi đó chương trình mới là pháp lệnh.

Hiện nay Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 3 bộ sách giáo khoa lớp 6 để sử dụng cho năm học 2021 – 2022, đó là bộ Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống. Phụ huynh và học sinh chuẩn bị lên lớp 6 có thể tìm hiểu trước về chương trình học và nội dung các môn học của 3 bộ sách giáo khoa này tại website https://taphuan.nxbgd.vn/ và website https://sachcanhdieu.com/ để nắm được thông tin chi tiết.

Số môn học và hoạt động giáo dục lớp 6

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 6 sẽ được học các môn học cũng như các hoạt động giáo dục bắt buộc và tự chọn. Cụ thể như sau: 

So với chương trình lớp 6 hiện hành thì học sinh lớp 6 từ năm học 2021 – 2022 sẽ được học thêm một số môn học mới như môn Hóa học nằm trong môn học tích hợp là Khoa học tự nhiên với các kiến thức Vật lí, Hóa học và Sinh học. Môn Địa lí, Lịch sử sẽ được tích hợp thành môn chung là môn Lịch sử và Địa lí. Cùng với đó thì học sinh lớp 6 sẽ được học thêm một nội dung giáo dục mới, đó là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có vị trí tương đương các môn học khác như Ngoại ngữ 1, Lịch sử và Địa lí với số tiết là 105 tiết/năm học. 

Như vậy số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc mà học sinh lớp 6 sẽ học là 12 môn và 1 hoạt động giáo dục, số môn học tự chọn là 1 trong 2 môn tiếng dân tộc thiểu số hoặc Ngoại ngữ 2. 

Phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh 

Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Phạm vi đánh giá bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học và chuyên đề học tập lựa chọn và môn học tự chọn. Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

Kết quả giáo dục được tính theo các kỳ kiểm tra đánh giá thường xuyên và kiểm tra đánh giá định kỳ.  Cùng với kết quả các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học và chuyên đề học tập lựa chọn, kết quả các môn học tự chọn được sử dụng cho đánh giá kết quả học tập chung của học sinh trong từng năm học và trong cả quá trình học tập. 

Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, kết hợp đánh giá của giáo viên, của cha mẹ học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác. 

Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Theo đó học sinh sẽ được đánh giá phẩm chất, năng lực trong cả quá trình, dựa trên ngữ cảnh học tập, thực tiễn cuộc sống, hoạt động giáo dục, trải nghiệm, sự tiến bộ của bản thân; thông qua công cụ đánh giá về nhiệm vụ, bài tập trong tình huống, bối cảnh thật.

Nếu Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đánh giá kết quả của học sinh ở những thời điểm nhất định trong quá trình dạy học, đặc biệt là trước và sau khi dạy, thì Chương trình GDPT 2018 đánh giá trong mọi thời điểm của quá trình dạy học, chú trọng đến đánh giá trong khi học. Đặc biệt, kết quả đánh giá học sinh ở Chương trình mới phụ thuộc vào độ khó của nhiệm vụ học tập hoặc bài tập đã hoàn thành; nếu học sinh thực hiện được nhiệm vụ học tập càng khó, càng phức tạp thì sẽ được coi là có năng lực cao hơn.

Yêu cầu về năng lực chung học sinh cần đạt

– Năng lực tự chủ và tự học: Biết chủ động và tích cực thực hiện các công việc của bản thân trong học tập và trong cuộc sống.

+ Hiểu biết về quyền và nhu cầu của bản thân một cách chính đáng.

+ Biết làm chủ tình cảm, cảm xúc của bản thân để có hành vi phù hợp trong học tập và trong cuộc sống.

+ Vận dụng linh hoạt các kinh nghiệm, kỹ năng đã học được vào giải quyết các vấn đề trong đời sống.

+ Nhận thức được khả năng, sở thích của bản thân để có định hướng về nghề nghiệp rõ ràng.

+ Tự đặt được mục tiêu học tập và nỗ lực thực hiện.

– Năng lực giao tiếp và hợp tác: Biết đặt ra mục đích giao tiếp và hiểu được vai trò quan trọng của việc đặt mục tiêu trước khi giao tiếp.

+ Biết cách thiết lập, duy trì và phát triển các mối quan hệ với các thành viên của cộng đồng (họ hàng, bạn bè, hàng xóm,…)

+ Có kỹ năng và tinh thần khi học tập theo nhóm.

– Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Biết tổng hợp, tóm tắt và phân tích thông tin.

+ Phân tích được các tình huống trong học tập và biết cách giải quyết vấn đề.

+ Có tư duy độc lập trong giải quyết vấn đề.

Yêu cầu về năng lực đặc thù học sinh cần đạt

– Năng lực ngôn ngữ: bao gồm năng lực sử dụng tiếng Việt và năng lực sử dụng ngoại ngữ; mỗi năng lực được thể hiện qua các hoạt động: nghe, nói, đọc, viết.

– Năng lực tính toán: Được thể hiện qua các hoạt động: Nhận thức kiến thức toán học, tư duy toán học, vận dụng kiến thức và kỹ năng đã học.

– Năng lực khoa học: Được thể hiện qua các hoạt động: Nhận thức khoa học, tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học.

– Năng lực công nghệ: Được thể hiện qua các hoạt động: Nhận thức công nghệ, giao tiếp công nghệ, sử dụng công nghệ, đánh giá công nghệ, thiết kế kỹ thuật.

 Năng lực tin học: Sử dụng và quản lí các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông. Ứng xử phù hợp trong môi trường số.

– Năng lực thẩm mĩ: Nhận thức, phân tích và đánh giá các yếu tố thẩm mĩ

 Năng lực thể chất: Chăm sóc sức khỏe, vận động cơ bản, hoạt động thể dục thể thao.

Như vậy so với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành thì chương trình giáo dục phổ thông 2018 có rất nhiều điểm mới, đặc biệt là sẽ có 3 bộ sách giáo khoa cùng được sử dụng trong giảng dạy thay vì một bộ như chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Theo đó sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo trong quá trình dạy và học, còn chương trình mới là pháp lệnh. Điều này đòi hỏi học sinh phải thay đổi phương pháp học và cách tiếp cận kiến thức theo hướng tư duy mở, chủ động và sáng tạo. Chính vì vậy vai trò của phụ huynh trong giai đoạn con chuẩn bị chuyển cấp lên lớp 6 là vô cùng quan trọng, cha mẹ chính là người hướng dẫn và đồng hành cùng con trong quá trình học tập, làm quen và tiếp cận những cái mới để con không bị bỡ ngỡ, từ đó giúp con tự tin học tập tốt để phát huy năng lực của bản thân. Và để trở thành người đồng hành đáng tin cậy của con thì bản thân cha mẹ phải là người nắm bắt đúng và đủ các thông tin liên quan đến chương trình và sách giáo khoa mới lớp 6. 

————————————————————————————

  • TRƯỜNG THCS HỒ XUÂN HƯƠNG TUYỂN SINH NĂM HỌC 2021 – 2022📣📣

    🌿 Tuyển sinh lớp 6

    🌿 Tuyển sinh bổ sung các lớp 7, 8 và 9

    ĐĂNG KÍ TUYỂN SINH NGAY ĐỂ NHẬN NHIỀU ƯU ĐÃI‼️

    ✅Địa điểm nhận hồ sơ:

    Số 268 Vũ Hữu, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội

    👉 Xem chi tiết về THÔNG BÁO TUYỂN SINH của trường tại đây:

    https://thcshoxuanhuong.vn/…/thong-bao-tuyen-sinh-lop…/

    👉 Link đăng ký tuyển sinh tại đây:

    https://docs.google.com/…/1k4aAPBp7vrtenbMn…/viewform

    📞 Mọi ý kiến thắc mắc, Quý Phụ huynh vui lòng liên hệ với Nhà trường qua hotline: 0971349821

Theo Hocmai.vn

Tuyển sinh trường THPT Đào Duy Từ năm học 2019-2020